Marketing Mix là gì? Giải thích chi tiết dễ hiểu nhất cho người mới bắt đầu
Back To BlogsMarketing là một thế giới đầy thú vị nhưng cũng không kém phần phức tạp, đặc biệt khi chúng ta bắt đầu đào sâu vào các chiến lược. Trong đó, marketing mix chính là công cụ "nhập môn" giúp mọi người nắm bắt và triển khai kế hoạch một cách hiệu quả. Nếu bạn là người mới bắt đầu hoặc đã làm marketing được một thời gian mà vẫn chưa hiểu rõ về các mô hình marketing - mix thì bài viết này dành cho bạn!
🔎 Marketing Mix là gì?
Bối cảnh ra đời: Ngay sau khi các phương tiện truyền thông phát sóng ra đời, bối cảnh tiếp thị đã bão hòa với các quảng cáo từ nhiều thương hiệu đang tranh giành sự chú ý và kinh doanh của người tiêu dùng. Đổi lại, các nhà tiếp thị phải phát triển các chiến lược vượt ra ngoài các phương pháp truyền thống, làm mọi thứ để gửi quảng cáo đến càng nhiều người càng tốt. Do đó, khái niệm marketing mix đã xuất hiện.
Thuật ngữ này lần đầu được chủ tịch hiệp hội Marketing Hoa Kỳ – Neil Borden giới thiệu vào năm 1953. Ta có thể hiểu đơn giản khi bóc tách nghĩa 2 từ “marketing” và “mix”. Vậy “marketing mix” dịch ra Tiếng Việt nghĩa là hỗn hợp tiếp thị - hiểu là sự kết hợp giữa các hoạt động tiếp thị khác nhau.
Bản chất của marketing mix cuối cùng vẫn là góp phần tạo ra hoặc làm gia tăng giá trị của sản phẩm để hỗ trợ cả sản xuất lẫn bán hàng bằng cách sử dụng kết hợp nhiều công cụ, hoạt động tiếp thị.
🔑 Vai trò của Marketing Mix
Hãy tưởng tượng làm marketing như khi bạn đang đi bán phở. Một tô phở ngon không chỉ nhờ nước dùng đậm đà mà còn phải có bánh phở mềm, thịt bò tươi, rau thơm sạch sẽ, và cả không gian quán phải sạch sẽ, thái độ nhân viên phục vụ chu đáo nữa. Tất cả những yếu tố này kết hợp lại giống như các thành phần trong Marketing mix vậy. Nếu thiếu một thành phần, trải nghiệm của khách hàng sẽ giảm đi đáng kể. Đồng thời, nếu chỉ bán mỗi phở và nước, sản phẩm của bạn làm sao hấp dẫn khách hàng? Và rồi khách hàng sẽ lựa chọn quán phở khác - đối thủ của bạn ngay!
Với ví dụ so sánh vui ở trên, mình tin bạn cũng đã hiểu được tầm quan trọng của marketing mix. Dưới đây là một số lợi ích cụ thể mà marketing mix mang lại:
- Giúp doanh nghiệp bạn đưa ra quyết định và kế hoạch có hệ thống
- Định vị thương hiệu: góp phần định hình suy nghĩ của khách hàng, công chúng về thương hiệu của bạn
- Tối ưu trải nghiệm khách hàng: Từ sản phẩm đến dịch vụ đều phải chuẩn chỉnh để khiến khách hàng "u mê không lối thoát."
- Tăng doanh số: Làm tốt marketing mix khiến khách hàng không chỉ mua một lần mà còn quay lại nhiều lần.
🗂️ Những mô hình Marketing Mix phổ biến nhất hiện nay
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng có nhiều thay đổi kèm theo nền thị trường kinh tế nhiều biến động đã đòi hỏi marketing không chỉ dừng lại ở việc "bán" sản phẩm, mà còn là nghệ thuật chinh phục khách hàng bằng cách tạo ra giá trị vượt mong đợi. Vậy nên, một mô hình marketing mix truyền thống như 4P không thể đáp ứng phù hợp với mọi hoàn cảnh. Nhiều mô hình marketing mix mới đã ra đời và đem lại kết quả hơn mong đợi. Dưới đây là top 5 mô hình Marketing mix phổ biến nhất, phù hợp với từng mục tiêu và ngành nghề:
Mô hình 4P
Đây là mô hình kinh điển và cơ bản nhất trong Marketing mix. Với mô hình này, bạn cần tập trung vào 4 chữ P tương ứng với 4 yếu tố sau:
- Product - Sản phẩm
- Price - Giá cả
- Place - Kênh phân phối
- Promotion - Chiến lược xúc tiến để thu hút và giữ chân khách hàng.
Mô hình 7P
Nâng cấp từ mô hình 4P, mô hình 7P thường được dùng cho ngành dịch vụ và các thương hiệu lấy khách hàng làm trung tâm. Mô hình này bổ sung thêm 3P là 3 yếu tố quan trọng sau:
- People - Con người: Đội ngũ nhân viên và khách hàng mục tiêu.
- Process - Quy trình: Cách dịch vụ/sản phẩm được cung cấp.
- Physical Evidence - Bằng chứng hữu hình: Không gian, thiết kế, và cảm nhận mà thương hiệu mang lại.
Mô hình 4C
Mô hình này khác biệt nhiều so với mô hình 4P, bởi mô hình 4C sẽ lấy trọng tâm là khách hàng. 4C là:
- Customer Needs - Nhu cầu khách hàng: Tìm hiểu và đáp ứng mong muốn.
- Cost - Chi phí: Không chỉ giá bán mà còn chi phí tổng thể khách hàng phải bỏ ra.
- Convenience - Sự thuận tiện: Dễ dàng tiếp cận và mua sản phẩm.
- Communication - Giao tiếp: Tương tác hai chiều thay vì chỉ quảng cáo đơn thuần.
Mô hình 4E
Một phiên bản cải tiến khác, mô hình 4E đặc biệt phù hợp với thời đại số bao gồm các yếu tố:
- Experience - Trải nghiệm: Thay thế sản phẩm bằng cảm giác mà khách hàng nhận được.
- Exchange - Trao đổi: Tập trung vào giá trị nhận lại thay vì chỉ là giá tiền.
- Everyplace - Mọi nơi: Kênh phân phối linh hoạt, đa dạng.
- Evangelism - Lan tỏa: Biến khách hàng thành "fan hâm mộ" để truyền bá thương hiệu.
Mô hình SAVE
Một cách tiếp cận rất hiện đại khi lấy khách hàng làm trọng tâm, mô hình SAVE bao gồm:
- Solution - Giải pháp: Không chỉ bán sản phẩm mà là giải quyết vấn đề.
- Access - Tiếp cận: Tăng khả năng khách hàng tiếp cận mọi lúc, mọi nơi.
- Value - Giá trị: Tập trung vào lợi ích mang lại.
- Education - Giáo dục: Nâng cao nhận thức, tạo niềm tin qua việc cung cấp thông tin giá trị.
Kết luận
Trong bài viết này, mình đã giới thiệu những kiến thức quan trọng và 5 mô hình phổ biến nhất trong marketing mix. Trong những blog tiếp theo, chúng mình sẽ cùng nhau phân tích chi tiết cách áp dụng từng mô hình vào thực tế bạn nhé!