Nghiên cứu thị trường là gì? Các bước để nghiên cứu thị trường chi tiết nhất hiện nay
Back To Blogs“Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng” – câu nói nổi tiếng này không chỉ đúng trong chiến trận mà còn áp dụng hoàn hảo trong marketing. Đó chính là lý do tại sao nghiên cứu thị trường trở thành bước đi đầu tiên và không thể thiếu trong mọi chiến lược marketing.
Vậy nghiên cứu thị trường là gì?
Nghiên cứu thị trường (Market Research) là quá trình thu thập, phân tích dữ liệu về thị trường, khách hàng, và các yếu tố liên quan như market size (quy mô thị trường), market growth (tiềm năng phát triển của thị trường), market trend (xu hướng thị trường), phân khúc thị trường,... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra quyết định đúng đắn.
Ứng dụng của nghiên cứu thị trường
- Đánh giá tính khả thi của sản phẩm hoặc dịch vụ mới: Trước khi ra mắt, nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp phân tích nhu cầu, đánh giá phản ứng của khách hàng và giảm thiểu rủi ro thất bại.
- Xác định phân khúc hoặc thị trường chưa được khai thác: Nghiên cứu thị trường giúp nhận diện những cơ hội mới, đặc biệt là các thị trường ngách chưa được đối thủ khai thác.
- Dự đoán xu hướng thị trường: Bằng cách phân tích dữ liệu thị trường, doanh nghiệp có thể dự đoán các xu hướng kinh doanh trong tương lai và chuẩn bị các chiến lược đón đầu.
- Điều chỉnh chiến lược tiếp thị và định giá: Thông tin về sở thích, thói quen và khả năng chi tiêu của khách hàng giúp doanh nghiệp đưa ra các chiến lược định vị sản phẩm và định giá phù hợp hơn.
- Giảm thiểu rủi ro: Bằng việc hiểu kỹ về thị trường, doanh nghiệp sẽ hạn chế những quyết định sai lầm gây tổn thất cho doanh nghiệp.
Gợi ý chi tiết các bước để nghiên cứu thị trường hiệu quả
Có rất nhiều cách để nghiên cứu thị trường và không có một khuân mẫu nào dành cho công việc này. Trong bài viết này, mình sẽ gợi ý các bước để nghiên cứu thị trường hiệu quả thông qua những mô hình nghiên cứu nổi tiếng. Bạn có thể tham khảo và thử áp dụng, sau đó tự điều chỉnh theo nhu cầu:
Bước 1: Nghiên cứu và phân tích theo mô hình 3C hoặc mô hình 5C
Cả 2 mô hình đều rất phổ biến và được ưa chuộng khi nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, mô hình 5C sẽ đem đến cái nhìn toàn diện hơn. Cụ thể mô hình 5C bao gồm:
- Công ty (Company)
- Xác định cá tính thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp.
- Đánh giá điểm mạnh và điểm yếu so với đối thủ.
- Đặt mục tiêu cụ thể cho thị trường.
- Khách hàng (Customers)
- Hiểu rõ đặc điểm và nhu cầu của khách hàng mục tiêu.
- Xác định quy mô và hành vi tiêu dùng của tệp khách hàng.
- Dự đoán những thay đổi trong hành vi tiêu dùng.
- Đối thủ cạnh tranh (Competitors)
- Nhận diện đối thủ trực tiếp và gián tiếp.
- Phân tích điểm mạnh/yếu về sản phẩm, marketing, truyền thông.
- Đánh giá thị phần của đối thủ.
- Đối tác (Collaborators)
- Xây dựng mối quan hệ chiến lược với đối tác.
- Tìm cách gia tăng sự ưu tiên trong hợp tác.
- Môi trường kinh doanh (Climate)
- Phân tích tác động của môi trường vi mô và vĩ mô đến doanh nghiệp.
- Dự đoán các yếu tố trong tương lai và đưa ra phương án ứng phó.
Bước 2: Phân tích SWOT
SWOT là mô hình giúp doanh nghiệp hiểu rõ nội tại của mình. Trong SWOT bao gồm:
- Strengths - Điểm mạnh
- Weaknesses - Điểm yếu
- Opportunities - Cơ hội
- Threats - Thách thức
Bước 3: Phân Tích STP
- Segmentation (Phân khúc): Chia thị trường thành từng nhóm khách hàng với đặc điểm riêng biệt.
- Targeting (Chọn mục tiêu): Tập trung vào phân khúc phù hợp nhất với chiến lược của doanh nghiệp.
- Positioning (Định vị): Định vị thương hiệu trong tâm trí khách hàng, tạo sự khác biệt.
Bước 4: Lựa chọn chiến lược marketing
Từ bức tranh tổng quan ở trên, bạn có thể lựa chọn chiến lược marketing phù hợp nhất với doanh nghiệp của bạn trong giai đoạn này. Thông thường, những chiến dịch marketing - mix sẽ được ưu tiên lựa chọn bởi tính linh hoạt và toàn diện. Một số mô hình bạn có thể lựa chọn là 4P, 4C, 7P...
Nếu bạn vẫn chưa hiểu các yếu tố trong mô hình marketing – mix, mình sẽ giúp bạn phân tích và hiểu rõ hơn ở bài viết sau.
Kết luận
Thị trường luôn biến đổi không ngừng, và trong một thế giới đầy cạnh tranh, chỉ có những doanh nghiệp hiểu rõ thị trường, khách hàng và chính mình mới có thể tồn tại và phát triển bền vững. Nghiên cứu thị trường không chỉ là công cụ để giảm thiểu rủi ro mà sẽ là chìa khoá giúp bạn có những chiến lược hoàn hảo nhất!