📌 Thị trường mục tiêu đóng vai trò nền tảng trong định hướng chiến lược kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp hiện đại phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và kỳ vọng ngày càng cao từ phía khách hàng. Việc xác định chính xác thị trường mục tiêu không chỉ giúp bạn biết rằng mình đang “bán hàng cho ai?” từ đó tối ưu hóa nguồn lực tiếp thị. Điều này gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng với độ chính xác cao. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xác định thị trường mục tiêu một cách khoa học và hiệu quả? Câu hỏi sẽ được giải mã trong blog ngày hôm nay, mình sẽ cùng các bạn khám phá một khái niệm mới “phân khúc thị trường” đồng thời mình cũng gợi ý chi tiết các bước để xác định được thị trường mục tiêu. 

Thị trường mục tiêu: Định nghĩa và vai trò

Mình đã giải nghĩa khái niệm “Thị trường mục tiêu” ("Target Market") ở blog trước. Nói ngắn gọn và dễ hiểu, thị trường mục tiêu là tập hợp các nhóm khách hàng tiềm năng có những đặc điểm chung mà doanh nghiệp lựa chọn để tập trung nguồn lực phát triển sản phẩm và chiến lược tiếp thị.

Về vai trò, thị trường mục tiêu mang lại những vai trò quan trọng như:

  • Tối ưu hóa nguồn lực tiếp thị bằng cách tập trung vào nhóm khách hàng cụ thể.
  • Hỗ trợ định vị thương hiệu và sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
  • Gia tăng khả năng chuyển đổi và tối ưu hóa doanh thu từ khách hàng mục tiêu.

vinamilk.jpg

Hệ thống phân phối của Vinamilk năm 2019. Nguồn: Vinamilk

📍 Phân khúc thị trường: Nền tảng của chiến lược kinh doanh

Vậy phân khúc thị trường là gì? Phân khúc thị trường ("Market Segmentation") được hiểu là quá trình chia nhỏ thị trường thành các phân khúc dựa trên các yếu tố đồng nhất. Điều này cho phép doanh nghiệp không chỉ hiểu rõ hơn về đặc điểm của từng nhóm khách hàng mà còn định hình các chiến lược tiếp cận họ hiệu quả hơn.

Các tiêu chí giúp phân khúc thị trường:

  • Nhân khẩu học (Demographics):

    Bao gồm các yếu tố như tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, trình độ học vấn và thu nhập.

    Ví dụ: Một công ty bảo hiểm y tế có thể tập trung vào các nhóm tuổi trung niên và người cao tuổi, những người có nhu cầu bảo vệ sức khỏe cao.

  • Địa lý (Geographics):

    Phân khúc theo khu vực địa lý như quốc gia, vùng miền hoặc khí hậu.

    Ví dụ: Một doanh nghiệp kinh doanh máy sưởi sẽ tập trung vào các khu vực có mùa đông lạnh giá.

  • Tâm lý học (Psychographics):

    Dựa trên các yếu tố như phong cách sống, giá trị, sở thích và quan điểm cá nhân.

    Ví dụ: Một nhãn hiệu xe hơi hạng sang có thể nhắm đến những cá nhân coi trọng sự đẳng cấp và sang trọng.

  • Hành vi (Behavioral):

    Tập trung vào thói quen tiêu dùng, tần suất mua sắm hoặc lý do sử dụng sản phẩm.

    Ví dụ: Các nền tảng thương mại điện tử thường theo dõi hành vi mua sắm để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng.

istockphoto-1269998798-170667a.jpg

🔍 Quy trình xác định thị trường mục tiêu

Để xác định thị trường mục tiêu một cách chính xác, doanh nghiệp của bạn có thể tham khảo gợi ý về quy trình sau đây:

1. Nghiên cứu tổng quan về thị trường

Việc nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp hiểu rõ bối cảnh cạnh tranh, hành vi khách hàng và các xu hướng tiêu dùng nổi bật. Các phương pháp phổ biến bao gồm:

    • Nghiên cứu định tính: Sử dụng phỏng vấn sâu hoặc nhóm thảo luận để khám phá động cơ và nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng.
    • Nghiên cứu định lượng: Triển khai khảo sát hoặc phân tích dữ liệu lớn để đưa ra những kết luận mang tính khái quát.

Nghiên cứu thị trường còn giúp bạn nhận ra được vấn đề, lỗ hổng mà các doanh nghiệp khác chưa khắc phục được. Hoặc nhận ra tình trạng chung của khách hàng: luôn gặp khó khăn ở đâu,... Điều này yêu cầu người nghiên cứu sự nhạy bén, quan sát kỹ lưỡng kèm theo là cần biết đọc nghiên cứu các số liệu thống kê, báo cáo.

2. Đánh giá sản phẩm/dịch vụ

Đây là một bước rất quan trọng trong khi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Bạn bán hàng cho ai?”. Bạn cần phân tích được giá trị cốt lõi mà sản phẩm hoặc dịch vụ của mình mang lại. Ưu - nhược điểm của sản phẩm ấy là gì?

Ví dụ đơn giản, một thương hiệu đồ uống dinh dưỡng có thể tập trung vào lợi ích cải thiện sức khỏe. Nhưng đồ uống dinh dưỡng của bạn có đặc điểm nổi trội là không dùng đường vì vậy còn phù hợp cho cả những người ăn kiêng.

3. Thực hiện phân khúc thị trường

Áp dụng các tiêu chí đã đề cập để phân khúc thị trường thành các nhóm có đặc điểm tương đồng. Việc này cần được hỗ trợ bởi các công cụ phân tích dữ liệu và công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo tính chính xác.

4. Xác định khách hàng lý tưởng

Từ các phân khúc thị trường, doanh nghiệp phác họa chân dung khách hàng lý tưởng (Customer Persona) bao gồm:

    • Thông tin nhân khẩu học.
    • Tâm lý học và hành vi tiêu dùng.
    • Các vấn đề mà sản phẩm/dịch vụ có thể giải quyết.

Ở phần này, mình khuyên các bạn hãy đọc thêm bài viết chia sẻ về cách tạo ra chân dung khách hàng tại đây

5. Kiểm nghiệm và tối ưu hóa

Doanh nghiệp nên triển khai thử nghiệm các chiến lược tiếp thị trên từng phân khúc cụ thể. Dựa vào phản hồi thực tế, tiếp tục điều chỉnh để tối ưu hóa hiệu quả chiến dịch. Không phải kế hoạch nào cũng thành công ngay từ bước ban đầu, điều quan trọng là bạn cần nhận ra mình đang thiếu sót ở đâu để bổ sung trong kế hoạch tiếp theo. 

Kết luận

Trong kỷ nguyên của sự đổi mới không ngừng, xác định thị trường mục tiêu không chỉ là một bước đi quan trọng mà còn là nền tảng để doanh nghiệp đạt được sự bền vững và phát triển lâu dài. Bạn không thể chỉ ngồi yên và đợi khách hàng tìm đến. Sự phát triển nhanh chóng của thời đại yêu cầu mọi doanh nghiệp cần chủ động hơn trước rất nhiều, Nếu bạn chậm chân, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau ngay tức thì. Vậy nên, hãy áp dụng các nguyên tắc phân khúc thị trường và phân tích dữ liệu một cách bài bản để doanh nghiệp không còn hoang mang khi tiếp cận với khách hàng.