Mô hình 4P là gì? Cách áp dụng 4P để xây dựng chiến lược marketing mix
Back To BlogsTrong bài viết trước, mình đã giải thích cụ thể về khái niệm marketing mix đồng thời mình đã giới thiệu về 5 mô hình marketing mix phổ biến nhất hiện nay. Nếu bạn chưa thể tự kể đủ 5 mô hình, hãy đọc bài viết ở đây.
Mỗi khi nhắc đến các mô hình marketing, 4P có lẽ sẽ xuất hiện ngay tức khắc trong tâm trí của nhiều người. Những cuốn giáo trình trên đại học hay trong các tài liệu và khóa học về marketing, 4P cũng luôn được lựa chọn để đề cập giới thiệu trước tiên. Sự ưu tiên trong mỗi lần xuất hiện này đều rất dễ giải thích. Không chỉ là một lý thuyết kinh điển lâu năm mà những kết quả tích cực 4P mang lại cho bao nhiêu doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau đã biến nó trở thành chìa khóa vàng hàng ngàn người cùng theo đuổi.
Trong bài biết hôm nay, mình sẽ giúp các bạn hiểu rõ về chiếc chìa khoá 4 chữ P trên và cách ứng dụng nó cho hoạt động marketing thực tế của doanh nghiệp bạn.
📜 4P LÀ GÌ?
Mô hình Marketing 4P, do E. Jerome McCarthy giới thiệu lần đầu vào năm 1960. Hiểu đơn giản đây là mô hình của 4 yếu tố đầu vào tạo nên cốt lõi của hệ thống tiếp thị của một doanh nghiệp. Bao gồm:
- Product - Sản phẩm/ Dịch vụ
- Price - Giá cả
- Place - Kênh phân phối
- Promotion - Chiến lược xúc tiến để thu hút và giữ chân khách hàng.
🎯 LÀM THẾ NÀO ĐỂ ỨNG DỤNG MARKETING MIX 4P HIỆU QUẢ?
Nhiều người hiểu được 4P là gì nhưng cũng chưa biết cách áp dụng. Bởi những điều bạn biết ở trên chỉ là một khái niệm chung chung, mơ hồ. Bạn đang chỉ nhìn được 3 phần của tảng băng chìm. Để áp dụng tốt 4P, bạn cần đào sâu bởi kỹ hơn nữa vào từng chữ P. Hãy tham khảo hướng dẫn phân tích 4P của mình nhé:
👉 Product - Sản phẩm / Dịch vụ:
Đây là yếu tố trung tâm của mô hình. Sản phẩm có thể là hàng hóa hữu hình (ví dụ: điện thoại, quần áo) hoặc dịch vụ (ví dụ: giáo dục, du lịch). Một sản phẩm tốt không chỉ đáp ứng nhu cầu, mà còn giải quyết vấn đề hoặc tạo ra giá trị khác biệt cho khách hàng.
Hãy tự trả lời các câu hỏi sau để hiểu rõ hơn về sản phẩm của bạn:
- Khách hàng cần gì từ sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn?
- Làm thế nào để sản phẩm/dịch vụ của bạn đáp ứng những nhu cầu đó?
- Sản phẩm của bạn có phù hợp với thị trường mục tiêu không? (Bạn có đang bán những sản phẩm đắt đỏ trong khi khách hàng không thực sự cần hoặc sử dụng không?)
- Khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm như thế nào và ở đâu? (Tìm hiểu cách khách hàng tương tác với sản phẩm để tối ưu thiết kế và tính năng)
- Thiết kế sản phẩm ra sao? (Kích thước, màu sắc, hình dáng của sản phẩm có phù hợp với sở thích và mong đợi của khách hàng không?)
- Tên sản phẩm và bao bì có thu hút không? (Tên sản phẩm, logo, bộ nhận diện thương hiệu và bao bì đóng vai trò lớn trong việc thu hút khách hàng.)
- Sản phẩm/dịch vụ của bạn khác biệt như thế nào so với đối thủ cạnh tranh? Điểm khác biệt (USP) có rõ ràng và đủ hấp dẫn để khách hàng chọn bạn thay vì đối thủ không?
- Biên lợi nhuận của sản phẩm/dịch vụ là bao nhiêu? Liệu biên lợi nhuận có đủ để duy trì và mở rộng kinh doanh không?
👉 Price - Giá cả
Giá cả không chỉ là con số bạn đưa ra mà còn là cách khách hàng đánh giá giá trị sản phẩm/dịch vụ của bạn. Hãy cân nhắc kỹ các yếu tố sau:
- Giá trị sản phẩm mang lại cho khách hàng là gì?
- Giá bán có phản ánh đúng giá trị mà sản phẩm cung cấp không?
- Chiến lược giá phù hợp với phân khúc nào? Bạn cần định giá phù hợp với thị trường mục tiêu và tính đến sức mua của khách hàng. Một số chiến lược giá thường thấy là: Chiến lược giá cao cấp, Giá thâm nhập thị trường, Giá cả cạnh tranh,…
- So sánh giá với đối thủ cạnh tranh: Giá của bạn có cạnh tranh không? Nếu không cạnh tranh bằng giá, sản phẩm của bạn có giá trị khác biệt gì để thuyết phục khách hàng?
- Chính sách giảm giá: Bạn có áp dụng giảm giá cho các giao dịch lớn, khách hàng thân thiết hoặc các phân khúc cụ thể không?
👉 Place - Kênh phân phối
Yếu tố phân phối đảm bảo sản phẩm/dịch vụ của bạn tiếp cận được đúng đối tượng khách hàng thông qua các kênh phù hợp.
- Khách hàng tìm sản phẩm/dịch vụ của bạn ở đâu? Liệu họ có tìm thấy sản phẩm của bạn tại cửa hàng vật lý, kênh online, sàn thương mại điện tử hay các hội chợ?
- Kênh phân phối chính của bạn là gì? Sản phẩm được bán tại trang thương mại điện tử, trong siêu thị, hay thông qua website? Nên kết hợp đa kênh để tiếp cận nhiều hơn.
- Bạn đã tối ưu các kênh phân phối chưa? Làm thế nào để sử dụng các kênh đó một cách hiệu quả nhất? Có cần thêm nhân sự bán hàng, hay thử nghiệm sản phẩm không?
- Đối thủ cạnh tranh phân phối sản phẩm/dịch vụ ở đâu, và bạn có thể học hỏi hoặc vượt trội hơn bằng cách nào?
👉 Promotion - Chiến lược xúc tiến để thu hút và giữ chân khách hàng.
Promotion là cách bạn truyền tải thông điệp đến khách hàng. Một thông điệp hay, một chương trình khuyến mãi hấp dẫn là chưa đủ. Đó mới chỉ là khởi đầu của hành trình thúc đẩy khách hàng mua sản phẩm/dịch vụ của bạn. Điều kiện đủ là bạn cần lựa chọn thêm các hình thức truyền thông, kênh truyền thông phù hợp,… Để tối ưu chiến lược xúc tiến, hãy trả lời các câu hỏi sau:
- Khi nào và ở đâu bạn nên quảng bá sản phẩm/dịch vụ? Hãy chọn thời điểm phù hợp (dịp lễ, sự kiện, xu hướng) và kênh truyền thông mà khách hàng mục tiêu thường xuyên sử dụng.
- Bạn sẽ tương tác với khách hàng như thế nào? Qua mạng xã hội, email marketing, quảng cáo trực tuyến hay các diễn đàn? Tần suất và hình thức có phù hợp không?
- Kênh truyền thông chính của bạn là gì? Quảng cáo trên Facebook, Google, TikTok, TV, báo chí, bảng quảng cáo ngoài trời, hay tổ chức sự kiện offline?
- Đối thủ của bạn có chiến dịch khuyến mãi nào hiệu quả? Bạn có thể làm gì để vượt trội hơn?
🖇️ Ví dụ về mô hình 4P
Giả sử bạn là một nhà bán sách với các dòng sản phẩm đa dạng, từ sách kỹ năng sống, sách thiếu nhi, đến tiểu thuyết văn học. Doanh nghiệp của bạn không chỉ bán sách mà còn tập trung vào việc xây dựng trải nghiệm khách hàng và tạo dựng lòng trung thành thông qua các chương trình khuyến mãi, hợp tác quảng bá.
Tuy vậy, với bối cảnh văn hoá đọc ngày nay không còn phát triển mạnh mẽ, việc bán hàng phải đi đôi với kích thích khách hàng mục tiêu tò mò về các tựa sách. Vì vậy, lựa chọn marketing mix với mô hình 4P sẽ phù hợp nhất trong thời điểm này. Bạn có thể tham khảo phần phân tích giả định mô hình 4P sau:
📚 Product - Sản phẩm
Đa dạng các dòng sách nổi bật: Sách kỹ năng sống, sách tản văn, sách kiến thức chuyên sâu, sách thiếu nhi, tiểu thuyết văn học,… đáp ứng được nhu cầu đa dạng.
- Đẩy mạnh việc các sản phẩm đều có review.
- Điểm nổi bật của sản phẩm:
- Chất lượng nội dung: Mỗi cuốn sách đều được chọn lọc từ các nhà xuất bản uy tín, đảm bảo nội dung phù hợp với xu hướng đọc của khách hàng.
- Thiết kế: Bìa sách đẹp, giấy chất lượng tốt, đảm bảo trải nghiệm cầm sách thoải mái.
- Đa dạng phân khúc: Có sách giá bình dân cho sinh viên và cả sách cao cấp (ấn bản đặc biệt) dành cho người sưu tầm.
- Dịch vụ tư vấn là USP chính: Tư vấn chi tiết và có các phần đánh giá, review sách trên website.
📚 Place (Phân phối)
Kênh phân phối chính:
- 02 cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Hà Nội.
Kênh online:
- Bán qua website chính thức, sàn thương mại điện tử như Tiktok.
Kênh mạng xã hội:
- Facebook: phân phối thông tin sản phẩm dạng ảnh, text về các tựa sách hay, bán chạy, hot trend.
- Tiktok: phân phối thông tin sản phẩm dạng video ngắn.
- Zalo: phân phối qua Zalo OA.
Chiến lược phân phối:
- Đẩy mạnh kênh online để tiếp cận khách hàng ở mọi nơi.
- Tận dụng các sự kiện như hội chợ sách hoặc ngày hội giảm giá online để tăng độ phủ sóng.
- Triển khai chương trình giao hàng miễn phí khi khách hàng mua trên một mức giá nhất định. Ví dụ thực tế: Doanh nghiệp mở gian hàng trên Tiktok với chiến dịch giảm 20% khi đặt trước các tựa sách hot.
📚 Price - Giá cả
Chiến lược định giá:
- Định giá linh hoạt: Tùy theo các dòng sản phẩm giao động trong 1 khoảng tiền nhất định. Ví dụ sách chuyên môn kiến thức từ 100.000đ đến 500.000đ.
- Cho họ hiểu được giá trị thông qua quy trình tuyển chọn, review sách, đóng gói sản phẩm, chăm sóc khách hàng.
📚 Promotion - Khuyến mãi/Xúc tiến
Đẩy mạnh việc viết blog review sách trên trang web.
Mạng xã hội:
- Chạy quảng cáo Facebook Ads nhắm đúng đối tượng mục tiêu (18 – 35 tuổi).
- Đăng các minigame đoán sách, review sách hoặc trích dẫn nội dung hấp dẫn từ sách.
Hợp tác với KOLs/Influencers:
- Mời các booktuber hoặc TikToker review sách như anh Better version, An Lê, Duy Thành Nguyễn,...
Chương trình khuyến mãi:
- Giảm giá khi mua combo sách (ví dụ: Mua 3 cuốn sách kỹ năng giảm 15%).
- Chương trình giảm giá theo dịp lễ như Ngày hội văn hoá đọc, Black Friday, Tết, hoặc đầu năm học mới.
- Ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng được bạn giới thiệu mua. Cụ thể ví dụ: Cuốn sách “Những nguyên tắc sống còn trong lập trình: Để viết mã gọn gàng và dễ nâng cấp bảo trì” của tác giả Tạ Văn Dũng được giảm ngay 50k nếu bạn mua từ link giới thiệu về sách của 1 khách hàng trước đây tại shop.
- Giảm giá đặc biệt cho những cuốn sách mới ra mắt hoặc khi khách mua theo combo.
- Sự kiện Hội chợ sách: Tổ chức gian hàng trong tuần lễ văn hoá đọc, tạo cơ hội cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm trực tiếp.
- Email Marketing: Gửi email tự động giới thiệu sách mới, ưu đãi, hoặc các bài viết blog liên quan đến chủ đề mà khách hàng quan tâm.
Nhiều thương hiệu lớn ở nước ngoài và tại Việt Nam như Vinamilk, Cocacola, Pepsi, cũng đã sử dụng mô hình 4P và đạt được những kết quả vô cùng ấn tượng. Để hiểu sâu hơn nữa và áp dụng hiệu quả cho doanh nghiệp, bạn nên đọc thêm tài liệu về cách áp dụng 4P của những thương hiệu doanh nghiệp lớn, nổi tiếng như đã kể ở trên.
Để tò mò mô hình 4P có áp dụng được cho mọi doanh nghiệp trong mọi thời điểm hay không? Câu trả lời là không! Sự thay đổi nhiều của thời đại đã sản sinh ra nhiều mô hình khác mà 4P đóng vai trò làm cơ sở. Đó là mô hình gì? Hãy cùng theo dõi ở blog kế tiếp nha!